Bối cảnh Chiến_dịch_Mozdok-Stavropol

Đến đầu năm 1943, tình thế chiến lược ở mặt trận Bắc Kavkaz đã xuất hiện những yếu tố thuận lợi để quân đội Liên Xô giành lại quyền chủ động chiến lược và có thể phát động tấn công đánh bại hoàn toàn các đơn vị quân đội Đức ở Bắc Kavkaz. Chiến dịch Bão Mùa đông do Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức) tiến hành nhằm giải vây cho Tập đoàn quân 6 (Đức) không những đã hoàn toàn phá sản mà Cụm quân Hoth (Đức) còn phải lùi thêm gần 100 km về phía hạ lưu sông Đông để bảo vệ Rostov. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia các chiến dịch bao vây và chống giải vây Tập đoàn quân 6 (Đức) ở Stalingrad, ngày 1 tháng 1 năm 1943, Phương diện quân Stalingrad đổi thành Phương diện quân Nam với nhiệm vụ chủ yếu là từ tuyến phòng thủ Loznoy - Priyutnoye hướng đòn tấn công vào Bataisk và Rostov, đe dọa uy hiếp Cụm tập đoàn quân A (Đức) tại Bắc Kavkaz. Tại mặt trận Vladikavkaz - Mordok, Cụm tác chiến Bắc Kavkaz (Liên Xô) đã hất quân Đức ra xa sông Terek và chiếm được một số bàn đạp tấn công có lợi tại cửa mở Elkhotovo, khu vực Novomenikovo - Iserskaya (???) và Malgobek phía trước tuyến Mozdok - Nalchik. Sau thất bại trong trận vượt sông Kuma, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Đức Quốc xã phải rút Sư đoàn "F" khỏi mặt trận Kavkaz và điều nó trở lại Hy Lạp. Nhận thức được mối nguy hiểm mà Phương diện quân Nam (Liên Xô) đang treo phía sau lưng, tư lệnh mới của Cụm tập đoàn quân A, tướng Ewald von Kleist quyết định rút dần các lực lượng của mình khỏi Bắc Kavkaz.[5]

Sau những thất bại ở Stalingrad và để cho quan đội Liên Xô tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược trong các chiến dịch Sao ThổBão Mùa đông, quân đội Đức quốc xã đã bị tổng thất rất nặng về binh lực và phương tiện chiến tranh, đặc biệt là về xe tăng, thứ vũ khí đột kích chủ lực của lục quân Đức. Chỉ riêng trong Chiến dịch Stalingrad, quân đội Đức Quốc xã đã tổn thất hàng triệu quân chết và bị thương, trong đó, cả một tập đoàn quân 6 thiện chiến được tăng cường một quân đoàn xe tăng cùng hai Tập đoàn quân Romania hầu như bị xóa sổ. Những thất bại dó còn đem lại những hậu quả tai hại về chính trị. Uy tín của nước Đức trong con mắt các nước chư hầu bắt đầu giảm sút. Thất bại tại Stalingrad cũng làm cho phong trào kháng chiến chống sự chiếm đóng của quân đội Đức Quốc xã phát triển mạnh tại các vùng tạm bị chiếm của Liên Xô và các nước châu Âu. Tất cả những diễn biến đó buộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức Quốc xã phải tính toán lại những ý đồ chiến lược của họ và khắc phục những sai lầm mà họ đã phạm phải trong mùa đông năm 1942. Trong một cuộc họp tại Tổng hành dinh ở Koenigsberg ngày 1 tháng 1 năm 1943, Hitler phát biểu:

Khả năng tiếp tục chiến tranh ở phía đông quyết định sự sống còn của chúng ta. Chúng ta buộc phải hiểu điều này một cách rõ ràng
— Adolf Hitler, [6]

Một vấn đề chung đang đặt ra với cả hai bên tham chiến là "thời gian". Viễn cảnh vây hãm Cụm tập đoàn quân A (Đức) cũng hấp dẫn đối với Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô không khác viễn cảnh chiếm được khu mỏ dầu trù phú nhất châu Âu đối với Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã và cá nhân Hitler trước đó nửa năm. Và đến đầu năm 1943 thì tại Bắc Kavkaz, thời gian đang chống lại cả hai bên. Quân đội Đức Quốc xã nếu không muốn có một Stalingrad thứ hai phải nhanh chóng từ bỏ "con mồi dầu mỏ" ở Bắc Kavkaz. Còn quân đội Liên Xô muốn vây hãm Cụm tập đoàn quân A (Đức) cũng phải nhanh chóng triển khai các đòn chia cắt từ Nam Stalingrad đến Rostov và phải từ bỏ các chiến dịch cục bộ theo kiểu vuốt đuôi, đẩy đuổi quân Đức.[7]